TRẺ HỌC ĐƯỢC THÔNG QUA CÁC TRÒ CHƠI Ở TRƯỜNG MẦM NON

Thay vì gò ép trẻ theo những khuôn mẫu, giới hạn, ba mẹ nên cho phép trẻ tự do chơi, khám phá theo sở thích, ý tưởng, nhu cầu và năng lực của con, để con phát triển tối đa tiềm năng sẵn có trong 6 năm đầu đời.

Vai trò của việc chơi đối với sự phát triển của trẻ mầm non

Theo các giáo viên tại Bright PreSchool, chơi là một phần tự nhiên trong sự phát triển của trẻ nhỏ từ khi trẻ sinh ra và cũng chính những khoảng thời gian vui chơi là cơ hội để trẻ được phát triển toàn diện ở độ tuổi mầm non. 

Bất kỳ là trò chơi nào, người chơi cùng là ai, thì thông qua các hoạt động vui chơi, trẻ có thể hình thành, rèn luyện và củng cố các kỹ năng cần thiết cho sự phát triển của mình, từ nhận thức, giao tiếp, phối hợp, chia sẻ, thể hiện cảm xúc… 

Đặc biệt, khi có thời gian vui chơi, trẻ sẽ học được cách tự quan sát, để phát hiện ra những điều mới mẻ, thú vị ngay bên cạnh mình. Từ  đó kích thích nội tại, tạo động lực cho sự phát triển của trẻ. Tâm lý tò mò, thích khám phá sẽ buộc trẻ phải đặt ra câu trả lời và háo hức tìm kiếm câu trả lời từ ba mẹ hay những người xung quanh… Trẻ sẽ vận dụng và sử dụng linh hoạt ngôn ngữ để mô tả những gì mình nhìn thấy, chạm vào, ngửi và nghe được… 

Ở một mức độ cao hơn, trẻ muốn tìm hiểu về chủ đề con quan tâm qua tranh ảnh, sách… muốn  diễn đạt lại những gì mình tìm kiếm được bằng cách vẽ lại, ghi chép lại. Một cách tự nhiên, trẻ hoàn thiện dần các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, chuẩn bị sẵn sàng cho những giai đoạn phát triển phía sau. 

Do vậy, thông qua vui chơi, dù đơn giản hay phức tạp, tự nhiên hay có chủ đích, trẻ không chỉ được vận động mà còn học được các kiến thức bổ ích, những kiến thức mà đôi khi người lớn chúng ta rất ít để ý hoặc khó có thể quan sát. Với các hoạt động vui chơi, trẻ không chỉ được phát triển thể chất, rèn luyện khả năng vận động mà còn phát triển khả năng tư duy, tính sáng tạo, khả năng tương tác, phối hợp…

trò chơi ở trường mầm non và sự phát triển của trẻ

3 trò chơi đơn giản ba mẹ có thể cùng con chơi tại nhà

Để việc vui chơi của con thực sự ý nghĩa và mang lại hiệu quả tốt nhất, ba mẹ nên dành thời gian và tạo điều kiện để con thỏa sức vừa học vừa chơi với những trò chơi thú vị. 

Theo giáo viên Montessori tại Bright PreSchool, có rất nhiều trò chơi đơn giản, bổ ích mà ba mẹ có thể cùng con chơi ngay tại nhà như xếp hình khối, vẽ tranh sáp màu, ngón tay hay xé và dán giấy, đất nặn… Các trò chơi này không chỉ là trò chơi trí tuệ mà nó còn là trò chơi thử thách về khả năng tập trung của trẻ, tăng cường sự phối hợp tay, mắt ở trẻ, khả năng sáng tạo của trẻ. 

Dưới đây là một số gợi ý trò chơi thú vị mà ba mẹ có thể cùng con vừa học vừa chơi tại nhà:

Thí nghiệm vui: Đi tìm ánh sáng

Mục tiêu: Qua thí nghiệm, trẻ có thể thấy cây có thể đi tìm nơi có ánh sáng để hướng đến sự sống.

Độ tuổi phù hợp: trên 3 tuổi

Nguyên liệu:

  • Một cốc đất
  • Hạt đậu đen
  • Hộp bìa, kéo, băng dính

Cách tiến hành:

  • Cắt dán hộp bìa thành một mê cung có zic zắc và có khoan lỗ trên nắp hộp.
  • Đục một lỗ khoảng 5cm trên nắp hộp
  • Trồng hạt đậu vào trong chậu đất

Hướng dẫn chơi: Đặt chậu cây vào trong hộp giấy, quan sát sau một thời gian cây nảy mầm sẽ vươn lên, “vượt qua các chướng ngại vật” mà hướng tới nơi có ánh sáng. 

Trò chơi “Chiếc hộp bí mật”

Mục tiêu: Việc vận dụng ngôn ngữ để mô tả đồ vật thông qua cảm nhận bằng xúc giác giúp các con phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên. Đồng thời, đây cũng là cách để phát triển các giác quan của trẻ một cách toàn diện, tạo cơ hội để trẻ củng cố, gia tăng vốn từ một cách hiệu quả nhất. 

Độ tuổi phù hợp: 4,5 đến 6 tuổi

Nguyên liệu: 

  • Một chiếc hộp chữ nhật có nắp đẹp, màu sắc bắt mắt
  • Một số loại củ quả, hoặc đồ chơi yêu thích của trẻ

Hướng dẫn chơi:

  • Các con sẽ cho tay vào hộp, sờ và cảm nhận một đồ vật nào đó 
  • Dùng ngôn ngữ miêu tả, giải thích cho ba mẹ về đồ vật đó
  • Ba mẹ sẽ đoán. 
  • Khi đã quen, ba mẹ có thể đặt ra quy tắc thời gian, tức là chỉ được miêu tả đồ vật trong khoảng thời gian nhất định
  • Khi có sức ép, các con sẽ có phản xạ ngôn ngữ nhanh hơn

Trò chơi Tìm kiếm đồ vật

Ở cấp độ đơn giản, ba mẹ có thể cùng trẻ tham gia trò chơi tìm đồ vật cất giấu bằng cách: Hãy giấu những món đồ chơi mà con yêu thích như búp bê, ô tô… nhưng cố tình để cho con thấy bạn để chỗ nào. Để kích thích trí tò mò của trẻ, ba mẹ hãy khéo léo hỏi con những đồ vật mình muốn và ngỏ ý nhờ đến sự giúp đỡ của trẻ để tìm kiếm đồ vật đó. Sự mời gọi của bạn sẽ kích thích trẻ ngoan ngoãn và thích thú tìm đồ vật bị giấu. Quan trọng là ba mẹ hãy dành cho trẻ những lời khích lệ, động viên khi trẻ tìm thấy. Trò chơi này không chỉ giúp trẻ tăng cường vận động mà còn tạo cho các con sự hứng khởi, rèn luyện kĩ năng giao tiếp, hợp tác với mọi người. 

Trò chơi Vì sao con buồn/vui?

Mục tiêu: Giúp con phát triển ngôn ngữ, khả năng nhận biết và biểu lộ cảm xúc. 

Độ tuổi phù hợp: trên 3 tuổi

Nguyên liệu: Chỉ cần 2 tờ giấy và bút

Hướng dẫn thực hiện: 

  • Đầu tiên, ba mẹ hãy vẽ một hình mặt cười và một hình mặt buồn lên giấy rồi gấp lại. 
  • Bắt đầu trò chơi: Bé sẽ lựa chọn 1 trong 2 tờ giấy đó. 
  • Trẻ mở ra và đọc to hình mặt mà mình vừa bốc được.
  • Nếu là mặt buồn, ba mẹ sẽ hỏi bé lý do vì sao em bé lại buồn? Ba mẹ có thể gợi ý để con đưa ra lời giải thích của riêng mình (bé không có ai chơi cùng; bé không có đồ chơi; mẹ đi vắng, bé buồn vì bé buồn thôi…).
  • Hoặc khi bé chọn được mặt cười. Con sẽ đọc lên: Bé vui.
  • Ba mẹ sẽ hỏi lý do vì sao em bé vui như vậy? Ba mẹ có thể gợi ý để con đưa ra lời giải thích (bé được ba mẹ chơi cùng; bé vừa có một người bạn mới, con được ăn món ăn yêu thích…).

Bên cạnh những trò chơi cần sự chuẩn bị kể trên, ba mẹ có thể tham khảo thêm một số trò chơi đơn giản khác như cùng nhau tập đếm, cùng nhau phân biệt các âm thanh quen thuộc quanh mình hay cùng nhau mô phỏng một số âm thanh của các con vật, tiếng tàu hỏa, ô tô… để kích thích trí não và các giác quan của trẻ phát triển.

Trẻ nhỏ có những tiềm năng sẵn có mà bất kỳ ba mẹ nào cũng nên tạo cơ hội để trẻ được tự do thể hiện và phát triển theo đúng những sở thích đó. Ba mẹ nên để cho trẻ được tự do lựa chọn những trò chơi con yêu thích, những hoạt động con thích làm. Bởi theo các chuyên gia, việc tôn trọng và trao quyền tự quyết cho trẻ sẽ khiến các con dồn sự tập trung cao nhất vào công việc mà mình lựa chọn, để khơi dậy niềm đam mê sáng tạo và phát triển cá tính riêng của mỗi trẻ.